Hệ bài tiết
- Trong cơ thể các cơ quan nào làm nhiệm vụ bài tiết ? Sản phẩm bài tiết của các cơ quan đó là gì ?
Phổi, thận, da làm nhiệm vụ bài tiết. Sản phẩm bài tiết gồm: phổi thải CO2, thận thải nước tiểu, da bài tiết mồ hôi
- Khái niệm bài tiết.
Bài tiết là hoạt động giúp cơ thể thải loại các chất cặn bã và các chất độc hại khác để duy trì tính ổn định của môi trường trong cơ thể.
- Nội dung 2: Hệ bài tiết nước tiểu
- Nêu cấu tạo hệ bài tiết nước tiểu ?
Hệ bài tiết nước tiểu gồm: thận, ống dẫn nước tiểu, bóng đái, ống đái. Thận gồm 2 quả với khoảng 2 triệu đơn vị chức năng để lọc máu và hình thành nước tiểu. Mỗi đơn vị chức năng thận gồm: cầu thận, nang cầu thận, ống thận.
* Sản phẩm thải chủ yếu của nước tiểu là gì ? là các chất cặn bã (axit uric, crêatin…), các chất thuốc, ion thừa (H+, K +…)
- Sự tạo thành nước tiểu gồm những quá trình nào ?
Nước tiểu được tạo thành ở các đơn vị chức năng của thận, bao gồm:
– Quá trình lọc máu ở cầu thận để tạo thành nước tiểu đầu.
– Quá trình hấp thụ lại các chất cần thiết.
– Quá trình bài tiết tiếp chất độc, chất không cần thiết ở ống thận tạo nước tiểu chính thức, ổn định một số thành phần của máu.
* Quá trình nào tạo ra nước tiểu đầu? Quá trình lọc máu ở cầu thận để tạo nước tiểu đầu ở nang cầu thận.
* Quá trình hấp thụ lại được hấp thụ các chất nào trong cơ thể ? Hấp thụ lại các chất: dinh dưỡng, nước, ion cần thiết Na+, Cl–…
- Phân biệt nước tiểu đầu với máu; nước tiểu đầu với nước tiểu chính thức.
* Khác biệt giữa nước tiểu đầu với máu:
– Nước tiểu đầu không có các tế bào máu và prôtêin.
– Máu có các tế bào máu và prôtêin.
* Phân biệt nước tiểu đầu và nước tiểu chính thức:
Nước tiểu đầu | Nước tiểu chính thức: |
– Nồng độ các chất hòa tan loãng hơn | – Nồng độ các chất hòa tan đậm đặc hơn |
– Chứa ít chất cặn bã và chất độc hơn | – Chứa nhiều chất cặn bã và chất độc hơn |
– Còn chứa nhiều chất dinh dưỡng | – Gần như không còn chất dinh dưỡng |